Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển không ngừng, nhiều chuyên gia an ninh mạng đang đặt ra câu hỏi liệu AI có thể thay thế phần lớn các thao tác an ninh mạng và liệu chúng ta có còn cần nhiều kỹ sư an ninh như trước đây. Mới đây, Tổ chức Quốc tế về Chứng chỉ An ninh Mạng (ISC2) đã thực hiện một khảo sát để phác họa rõ nét xu hướng ứng dụng công cụ bảo mật AI và ảnh hưởng của nó đến nhân lực, hiệu quả nhóm và cách vận hành của tổ chức.
Khảo sát của ISC2 cho thấy 30% chuyên gia an ninh mạng đã bắt đầu sử dụng các công cụ bảo mật tích hợp AI như AI tạo sinh (Generative AI) hay AI tác nhân (Agentic AI). Đáng chú ý, 70% trong số đó ghi nhận hiệu quả tích cực rõ rệt, đặc biệt trong việc giảm khối lượng các tác vụ lặp lại. Nhờ đó, đội ngũ kỹ sư có thể tập trung vào những phần việc mang tính phân tích, sáng tạo và có giá trị hơn.
Các tác vụ đang được AI hỗ trợ mạnh mẽ gồm giám sát mạng và phát hiện xâm nhập, phản ứng và bảo vệ điểm cuối, quản lý lỗ hổng hệ thống, mô hình hóa các mối đe dọa và kiểm tra bảo mật định kỳ. Tổ chức càng lớn, càng sớm tích hợp AI. Những doanh nghiệp trên 10.000 nhân sự hiện đang dẫn đầu, nhưng cả nhóm tổ chức quy mô trung và nhỏ cũng đã bắt đầu nhập cuộc, dù thận trọng hơn.
Về vấn đề tuyển dụng, hơn 50% chuyên gia tin rằng nhu cầu tuyển nhân sự cấp đầu vào có thể giảm, vì các tác vụ cơ bản đã có thể được AI xử lý. Tuy nhiên, vẫn có 31% chuyên gia giữ góc nhìn tích cực: AI không khiến công việc biến mất, mà chỉ làm thay đổi bản chất công việc. Một số vai trò mới, yêu cầu kỹ năng mới sẽ xuất hiện.
Về tổng thể, gần một nửa tổ chức vẫn giữ nguyên kế hoạch tuyển dụng dù đang ứng dụng AI. Và đặc biệt, 44% đang xem lại cấu trúc vai trò và kỹ năng trong đội ngũ để phù hợp với môi trường làm việc mới có AI đồng hành.
Nghiên cứu của ISC2 phản ánh một xu thế rõ ràng: AI đang trở thành công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực an ninh mạng, nhưng chưa phải là đòn đánh trực diện vào lực lượng lao động con người. Ngược lại, nó đang mở ra cơ hội tái cấu trúc, nâng cao hiệu suất và hướng đội ngũ đến những công việc có chiều sâu hơn.
Với các tổ chức tại Việt Nam, đây có thể là thời điểm vàng để bắt đầu tìm hiểu, thử nghiệm, xây dựng chiến lược AI phù hợp. Thay vì lo lắng ‘AI có thay tôi không?’, câu hỏi nên là: ‘Tôi có đang chuẩn bị đủ kỹ năng để làm việc cùng AI hay chưa?’