Một đoạn ghi âm trong buồng lái cho thấy cơ trưởng của chuyến bay Air India gặp nạn hồi tháng trước có thể đã cắt nguồn cấp nhiên liệu cho động cơ máy bay. Thông tin này được đưa ra sau khi tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời những người am hiểu về đánh giá ban đầu của giới chức Mỹ đối với bằng chứng trong cuộc điều tra tai nạn ngày 12/6 liên quan đến chiếc Boeing 787 Dreamliner tại Ahmedabad, Ấn Độ — vụ việc khiến 260 người thiệt mạng.
Theo báo cáo sơ bộ do Cục điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ (AAIB) công bố ngày 12/6, một phi công được nghe thấy hỏi đồng nghiệp của mình trên máy ghi âm buồng lái rằng tại sao lại ngắt công tắc nhiên liệu, và người kia đáp rằng “tôi không làm thế”. Báo cáo không xác định cụ thể phát ngôn đó là của ông Sumeet Sabharwal – cơ trưởng, hay ông Clive Kunder – cơ phó. Hai người có tổng số giờ bay lần lượt là 15.638 và 3.403.
WSJ cho biết cơ phó Kunder – người đang trực tiếp điều khiển máy bay – đã hỏi cơ trưởng Sabharwal tại sao lại đưa công tắc nhiên liệu về vị trí “ngắt” chỉ vài giây sau khi máy bay cất cánh khỏi đường băng. Tuy nhiên, WSJ không cho biết có bằng chứng nào xác nhận cơ trưởng Sabharwal đã thực sự ngắt công tắc, ngoài đoạn đối thoại được ghi âm.
Dù vậy, tờ báo dẫn lời một số phi công Mỹ đã đọc báo cáo của giới chức Ấn Độ, cho rằng tại thời điểm đó, cơ phó Kunder – người đang kiểm soát máy bay – hẳn đã phải dồn toàn bộ sự chú ý để kéo cần điều khiển của chiếc Dreamliner, nên khó có khả năng ông Kunder thực hiện việc chuyển công tắc.
Cục điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ, Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ, Bộ Hàng không Dân dụng, hãng Air India cùng 2 công đoàn đại diện cho phi công nước này đều chưa phản hồi đề nghị bình luận của Reuters về thông tin từ báo WSJ. Boeing cũng từ chối đưa ra bình luận.
Báo cáo sơ bộ của AAIB xác nhận rằng 2 công tắc nhiên liệu đã được chuyển từ chế độ “bật” sang “ngắt” cách nhau đúng một giây, ngay sau khi máy bay cất cánh. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ hành động này do ai thực hiện hoặc bằng cách nào.
Chỉ vài giây sau khi máy bay rời mặt đất, hình ảnh từ camera an ninh cho thấy có dấu hiệu chứng tỏ động cơ máy bay đã mất công suất. Chiếc máy bay hành trình đến London bắt đầu mất lực đẩy, và sau khi lên tới độ cao gần 200 mét, nó bắt đầu hạ độ cao.
Theo báo cáo, các công tắc nhiên liệu cho cả hai động cơ sau đó đã được đưa về chế độ “bật”, và hệ thống của máy bay tự động kích hoạt quy trình khởi động lại động cơ. Tuy nhiên, lúc này máy bay đã bay quá thấp và tốc độ quá chậm để có thể phục hồi, chuyên gia an toàn hàng không John Nance nói với Reuters.
Chiếc máy bay đã va vào một số ngọn cây và một ống khói trước khi lao xuống một toà nhà trong khuôn viên ký túc xá một trường y gần đó, tạo thành một quả cầu lửa. Vụ tai nạn khiến 19 người dưới mặt đất và 241 trong số 242 người trên máy bay thiệt mạng.