Tác động từ các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong 6 tháng cầm quyền đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai đang dần hiện rõ trong nền kinh tế nước này. Wall Street Journal cho rằng những tác động này chưa đủ lớn để khiến kinh tế Mỹ đi chệch hướng, nhưng trên thực tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trụ vững trong thương chiến tốt hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia.
Tuy nhiên, khoảng thời gian mà chính sách của ông Trump không để lại tác động nào trong các dữ liệu kinh tế cứng có vẻ đã đi đến hồi kết. Những dấu hiệu đáng lo ngại bắt đầu xuất hiện khi giá cả các mặt hàng nhập khẩu chủ chốt như đồ nội thất và quần áo ghi nhận mức tăng mạnh.
Số liệu lạm phát tháng 6 công bố ngày 15/7 cho thấy mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 2,7%. Theo một báo cáo của ngân hàng UBS, giá của các hàng hóa trong rổ hàng hóa tính lạm phát lõi của Mỹ đã tăng với tốc độ hàng tháng nhanh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Thị trường lao động cũng bắt đầu cho thấy những dấu hiệu suy yếu. Tăng trưởng việc làm trong số liệu chính thức dường như đã chậm lại trong các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư bất hợp pháp. Lực lượng lao động là người sinh ra ở nước ngoài đã giảm đáng kể kể từ tháng 3.
Gần đây, người nhập cư gần đây dường như ngại tham gia các cuộc khảo sát hàng tháng về tình hình việc làm do Bộ Lao động Mỹ thực hiện. Các số liệu thống kê cho thấy người Mỹ vẫn đang chi tiêu và các nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục tạo thêm việc làm.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu tất cả những yếu tố tích cực đó có duy trì được hay không – và nếu không, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng này trong bao lâu.
Dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu khổng lồ của ông Trump mà Quốc hội Mỹ thông qua gần đây cũng có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ ở một số phương diện. Tuy nhiên, giới chức chính quyền ông Trump vẫn phản bác quan điểm của giới chuyên gia rằng các nhà nhập khẩu rốt cục sẽ đẩy thuế quan về phía người tiêu dùng.