Thị trường chứng khoán Việt Nam đã duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2025, nổi bật so với các thị trường trong khu vực. Với khả năng thị trường được nâng hạng ở mức cao, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán đã tăng trưởng ấn tượng. Tính đến ngày 30/6, chỉ số VN-Index đạt mức 1.376,07 điểm, cao nhất trong vòng hơn 3 năm, kể từ tháng 4/2022. So với cuối năm trước, VN-Index tăng hơn 109 điểm, tương ứng tăng 8,6%. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.689,68 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cuối năm trước, tương đương 66,8% GDP ước tính năm 2024.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu duy trì ở mức cao, với dòng tiền chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước, đạt 21.297 tỷ đồng/phiên, tăng 1,4% so với bình quân năm trước. Trong nửa đầu năm 2025, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng gần 972 nghìn tài khoản, nâng tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước lên gần 10,3 triệu tài khoản. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay và vượt mục tiêu của Chính phủ là đạt mốc 9 triệu tài khoản vào năm 2025.
Các chuyên gia nhận định rằng, bước vào nửa cuối năm 2025, có 4 động lực chính thúc đẩy thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng. Thứ nhất, Việt Nam hoàn tất đàm phán với Mỹ với mức thuế đối ứng tương đối cạnh tranh. Thứ hai, nền kinh tế và doanh nghiệp duy trì tăng trưởng ở mức cao, lãi suất duy trì mặt bằng thấp. Thứ ba, kỳ vọng động lực tăng trưởng mới từ các Nghị quyết Trung ương số 57, 59, 66, 68 năm 2025. Cuối cùng, kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán.
Một số dự báo cho rằng, với kịch bản cơ sở, đến cuối 2025, VN-Index có thể đạt 1.555 điểm với chỉ số P/E của VN-Index đạt 14,6x và EPS thị trường tăng 12%. Còn ở kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm, P/E đạt 15,3x và EPS tăng 13%. Lợi nhuận toàn thị trường năm 2025 được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 14-15%.
Về vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, Bộ Tài chính cho biết Việt Nam đã nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý cần thiết. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC, Thông tư số 18/2025/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, và Thông tư 96/2020/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Hiện tại, Bộ Tài chính đang hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP để tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhờ những động thái trên của các cơ quan quản lý, giới phân tích dự báo thị trường chứng khoán có thể được FTSE Russell chấp thuận nâng hạng từ cận biên lên mới nổi vào tháng 9/2025.
Trong tuần từ 14 – 18/7, thị trường ngoại tệ có tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng mạnh ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 18/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 25.185 VND/USD, tăng mạnh 57 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 18/7, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 5,02% (+0,32 điểm phần trăm); 1 tuần 5,06% (+0,33 điểm phần trăm); 2 tuần 5,02% (+0,29 điểm phần trăm); 1 tháng 4,96% (+0,33 điểm phần trăm).
Tuần qua, NHNN bơm ròng 58.414,59 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở.
Thị trường trái phiếu phiên 16/7, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 4.803 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 48%.
Thị trường chứng khoán tuần từ 14 – 18/7 tiếp tục có một tuần tích cực khi cả 3 chỉ số đều tăng điểm, thanh khoản ở mức cao. Kết thúc phiên 18/7, VN-Index đứng ở mức 1.497,28 điểm, tăng mạnh 39,52 điểm (+2,71%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 8,96 điểm (+3,75%) đạt 247,77 điểm; UPCoM-Index tăng 2,02 điểm (+1,97%) lên 104,74 điểm.