Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và nhân lực. Tuy nhiên, quá trình này cũng mở ra cơ hội lớn trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công. Để xây dựng một hệ thống chính phủ số hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong quản lý nhà nước, Việt Nam cần tập trung vào việc xây dựng một thể chế kiến tạo vững chắc.
Thách thức chuyển đổi số khu vực công
Tại Diễn đàn ‘Chuyển đổi số khu vực công – Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội’ diễn ra ngày 17/7, ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết, khu vực công được xác định là người dẫn đường và là tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế – xã hội thông qua quá trình số hóa và thích ứng nhanh chóng. Chuyển đổi số trong khu vực công là một đột phá hàng đầu và là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy kinh tế – xã hội và ngăn chặn nguy cơ tụt hậu.
Tuy nhiên, việc triển khai quá trình chuyển đổi số trong khu vực công cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức về hạ tầng số. Đặc biệt là ở cấp cơ sở, dữ liệu chưa đồng bộ, thiếu kết nối, thiếu chia sẻ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tâm lý e dè đổi mới ở một số nơi. Cùng với đó, hệ thống thể chế và chính sách pháp luật về chuyển đổi số còn chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Phó Viện trưởng Viện Trí Việt IVM/VUSTA, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số khu vực công là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn lực. Nhiều cơ quan nhà nước vẫn sử dụng các hệ thống công nghệ cũ kỹ, không đồng bộ, gây khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp số hóa mới.
Xây dựng một thể chế kiến tạo vững chắc
Ông Chử Đức Hoàng – Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) kiến nghị, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đang tập trung vào việc xây dựng một thể chế kiến tạo vững chắc, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển. Trong đó, việc hình thành các cơ chế thử nghiệm đóng vai trò then chốt, cho phép kiểm tra và hoàn thiện các giải pháp số hóa trước khi triển khai rộng rãi.
Để cụ thể hóa những định hướng này, việc thể chế hóa các quy định pháp luật là vô cùng cần thiết. Một trong những yếu tố cốt lõi để hiện thực hóa chuyển đổi số là việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, liên thông.
Chuyển đổi số thành công đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào con người và một niềm tin vững chắc vào đội ngũ. Nếu thiếu đi niềm tin, mọi nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa. Điều này đặc biệt đúng khi xây dựng đội ngũ công nghệ thông tin (IT) và chuyên gia – những nhân tố cốt lõi cho sự phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà đề xuất, cần tăng ngân sách cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng số, như trung tâm dữ liệu quốc gia và mạng 5G, đặc biệt ở các địa phương. Đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực công nghệ.
Việt Nam cần khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển giải pháp số cho khu vực công, như ứng dụng AI, blockchain, hoặc IoT. Ngoài ra, cần triển khai các chiến dịch truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo các nền tảng dễ sử dụng và hỗ trợ đa ngôn ngữ.