Giám sát đầu tư của cộng đồng đang nổi lên như một kênh kiểm tra độc lập quan trọng, giúp người dân thực hiện quyền làm chủ trong quá trình triển khai các dự án đầu tư. Qua hoạt động này, không chỉ giúp nâng cao chất lượng công trình mà còn góp phần giảm thiểu lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thực sự của công tác giám sát này, vẫn cần phải giải quyết nhiều vướng mắc từ cơ chế đến năng lực thực thi tại cơ sở.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến năm 2024, đã có 43 địa phương thực hiện tổng hợp và báo cáo đầy đủ về công tác giám sát đầu tư của cộng đồng. Kết quả cho thấy có 25.576 dự án đã được giám sát, trong đó có 17.777 dự án sử dụng vốn và đóng góp của cộng đồng, vốn ngân sách cấp xã và tài trợ trực tiếp cho xã; 6.731 dự án là đầu tư công, sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP); và 1.068 dự án sử dụng các loại vốn khác.

Qua hoạt động giám sát, người dân đã phát hiện 677 dự án có vi phạm. Đáng chú ý, 441 dự án đã được cơ quan chức năng thông báo kết quả xử lý, trong đó 635 dự án đã được chủ đầu tư khắc phục vi phạm theo yêu cầu. Những con số này cho thấy hiệu quả rõ nét của hoạt động giám sát từ cơ sở, góp phần giúp các dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, công tác giám sát đầu tư của cộng đồng hiện vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt ở cấp cơ sở. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến hoạt động giám sát của cộng đồng, dẫn đến việc ban giám sát hoạt động còn mang tính hình thức. Nhiều thành viên trong ban giám sát còn ngại va chạm, thiếu bản lĩnh phản biện, dẫn đến việc không phản ánh đầy đủ những bất cập trong quá trình triển khai dự án.
Để khắc phục các tồn tại trên, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong đó, cấp ủy và chính quyền các cấp cần quán triệt nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của ban giám sát đầu tư cộng đồng, coi đây là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị cơ sở. Cần thường xuyên kiện toàn tổ chức, lựa chọn những người có năng lực, có tinh thần trách nhiệm và am hiểu thực tiễn để tham gia ban giám sát.
Đặc biệt, cần khuyến khích người dân có trình độ chuyên môn về xây dựng, kỹ thuật, pháp luật tham gia giám sát. Mặt trận cấp xã phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia để nâng cao tính đại diện và khách quan cho hoạt động này. Khi dân biết, dân bàn, dân kiểm tra – đầu tư mới hiệu quả.
Giám sát đầu tư của cộng đồng không chỉ là biện pháp tăng cường hiệu quả đầu tư, mà còn là biểu hiện sinh động của quyền làm chủ nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay, khi yêu cầu về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ngày càng được đề cao, việc phát huy sức mạnh giám sát từ cơ sở sẽ là chìa khóa quan trọng để bảo đảm mỗi đồng vốn đầu tư mang lại hiệu quả thực chất.