Hà Nội sẽ sớm triển khai một hệ thống camera thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện khuôn mặt, biển số xe và điều khiển giao thông theo thời gian thực. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp lực lượng chức năng chủ động nắm bắt tình hình giao thông, phát hiện và giải quyết kịp thời các vụ tai nạn và sự cố phát sinh.
Đặc biệt, với khả năng nhận diện khuôn mặt, camera AI có thể tự động báo về trung tâm chỉ huy nếu phát hiện đối tượng truy nã. Ngoài ra, nhiều hành vi vi phạm giao thông khác sẽ bị xử phạt nguội thông qua hệ thống này. Công an Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an để triển khai 3.700 camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thủ đô.
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng có khoảng 500-700 trường hợp ô tô bị phạt nguội thông qua camera giám sát tự động hoạt động 24/24h. Camera mới có khả năng phát hiện vi phạm và nhận diện biển số ngay cả trong đêm tối và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Hệ thống camera giám sát còn giúp lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình giao thông, phát hiện và giải quyết kịp thời các vụ tai nạn, sự cố phát sinh, phối hợp điều tiết, phòng ngừa ùn tắc và hỗ trợ các lực lượng khác trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Anh Ngô Tiến Luật, một cư dân ngoại ô Hà Nội, chia sẻ rằng anh từng bị phạt nguội vì lỗi đi vào đường cấm. Anh chấp hành đóng tiền phạt qua bưu điện và cảm thấy cách thức xử phạt hành chính như vậy là rất văn minh, tăng tính minh bạch và hạn chế tiêu cực.
Trong khi đó, anh Trần Văn Sĩ, một tài xế chuyên nghiệp, cho rằng công nghệ hiện đại đang thay đổi cuộc sống từng ngày. Hà Nội cũng dần dần đi theo xu hướng của các thành phố lớn trên thế giới, nơi cảnh sát giao thông không còn phải đứng ngoài đường xử lý vi phạm nữa.

Chuyên gia vận tải – ông Nguyễn Văn Thanh nhận định rằng, ngoài camera xử phạt nhận diện khuôn mặt hiện đại, điều được quan tâm lớn nhất trong sự thay đổi về cách thức xử lý vi phạm là sự minh bạch, không có ngoại lệ. Việc kết thúc sự có mặt trực tiếp của cảnh sát giao thông trong quá trình xử lý vi phạm cũng sẽ thay đổi căn bản nhận thức và hành vi đi đường.
Ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng ý thức tham gia giao thông ở Việt Nam chưa cao, nhưng với việc công khai có camera giám sát và xử phạt nguội các hành vi vi phạm, người dân sẽ thay đổi. Người dân sẽ tuyệt đối tuân thủ pháp luật không phải vì sợ công an, mà xuất phát từ ý thức tự giác tuân thủ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, đến cuối năm 2025, cảnh sát giao thông không còn phải ra đường xử lý vi phạm cũng là một phương thức bảo vệ chính lực lượng hành pháp. Đã có không ít vụ việc cảnh sát giao thông bị tông, bị kéo lê khi cố gắng dừng xe vi phạm. Chuyển đổi số, cắt giảm thủ tục hành chính, tinh giản các lực lượng, vị trí, công việc không cần thiết là một xu hướng để giúp đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.
Những động thái gần đây, như giảm cảnh sát giao thông xử lý trực tiếp trên đường, gửi thông báo vi phạm cho tất cả các chủ xe trong vòng 2 tiếng đồng hồ, kể cả đó là xe máy… cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ của ngành Công an trong việc ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác và đảm bảo an ninh trật tự.