Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của khối ngoại trong 3 tuần đầu tháng 7, với giá trị mua ròng lên đến khoảng 13.500 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tích cực, mở ra kỳ vọng về một chu kỳ hút vốn mới cho thị trường.
Sau hơn một năm bán ròng liên tiếp, khối nhà đầu tư nước ngoài đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô mua ròng ấn tượng. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 18/7, khối ngoại đã mua ròng khoảng 13.500 tỷ đồng chỉ trong 3 tuần giao dịch của tháng 7. Diễn biến này đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra kỳ vọng về một chu kỳ hút vốn mới của thị trường.
Từ chuỗi bán ròng kéo dài đến mua ròng mạnh, trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, khối ngoại bán ròng khoảng 41.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD), nối dài xu hướng rút vốn đã kéo dài từ năm 2023 với đỉnh điểm là chuỗi 15 tháng bán ròng liên tiếp. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5, lực bán từ nhà đầu tư nước ngoài đã chững lại và đến tháng 7, dòng tiền ngoại đã có dấu hiệu đảo chiều mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm – Phó Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) nhận định đây không phải là một sự đảo chiều ngẫu nhiên, mà xuất phát từ ba yếu tố nền tảng. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh trở lại. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2025 tăng 7,96%, mức cao nhất kể từ năm 2022. Chính sách tài khóa mở rộng, miễn giảm thuế phí, thúc đẩy đầu tư công và lãi suất điều hành ổn định ở mức thấp đã tạo nền tảng vĩ mô hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể vượt mục tiêu 16%, và vốn FDI đăng ký riêng tháng 6 đạt gần 6 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường phái sinh phát triển vượt kỳ vọng sau 4 năm hoạt động. Thứ hai, kỳ vọng nâng hạng thị trường đang trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Khối ngoại được cho là đang mua ròng đón đầu khả năng chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng từ cận biên lên mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá tháng 10/2025. Điều kiện kỹ thuật quan trọng như cơ chế không bắt buộc thanh toán trước (non-prefunding) đang từng bước được hoàn thiện.
Thứ ba, bối cảnh quốc tế đang tạo điều kiện cho các quỹ chủ động và ETF lớn tìm kiếm cơ hội tại những thị trường có định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng cao như Việt Nam.
Theo ASEANSC, đà mua ròng của khối ngoại đang tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần củng cố niềm tin nhà đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang bứt phá mạnh mẽ. VN-Index đã lần đầu tiên vượt mốc 1.500 điểm sau hơn 3 năm, giữa không khí sôi động đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong các kịch bản được dự báo, nếu Việt Nam được nâng hạng, hàng tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp có thể đổ vào thị trường thông qua các quỹ theo chỉ số và dòng vốn chủ động từ các tổ chức quốc tế. Thậm chí, làn sóng vốn này có thể đến sớm hơn thời điểm nâng hạng chính thức, giúp thúc đẩy thanh khoản, kích thích hoạt động IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) và niêm yết mới, bổ sung hàng hóa chất lượng cho thị trường.
Tín hiệu tích cực về nâng hạng thị trường càng rõ nét hơn khi trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ chiều 17/7, ông Gerald Toledano – Thành viên Ban Điều hành, Giám đốc mảng cổ phiếu và tài sản đa dạng toàn cầu của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell – đã bày tỏ sự đánh giá cao những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển thị trường tài chính.
Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán đang ở trong trạng thái sôi động nhất kể từ khi thành lập. Tuần qua, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đạt kỷ lục, dẫn đầu khu vực ASEAN. VN-Index tiến sát đỉnh lịch sử, phản ánh dòng tiền mạnh mẽ cùng niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và kết quả kinh doanh quý II tích cực.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,71% lên 1.497,28 điểm, tiến gần hơn tới mốc đỉnh lịch sử (1.535 điểm). Chỉ số VN30 tăng 3,13%, đạt 1.643,91 điểm, tiếp tục củng cố xu hướng tăng trưởng sau khi vượt đỉnh tháng 11/2021.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thanh khoản toàn thị trường tiếp tục tăng, đạt mức cao kỷ lục. Riêng trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên đạt hơn 1,3 tỷ cổ phiếu, tăng 8,6% so với tuần trước. Việt Nam hiện là thị trường có thanh khoản dẫn đầu khu vực ASEAN. Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị lên tới 1.219,8 tỷ đồng trong tuần.
Xu hướng tăng không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà còn lan tỏa trên thị trường quốc tế. Nasdaq liên tiếp lập đỉnh mới, dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và bán dẫn. Tại châu Á, nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Hong Kong (Trưng Quốc), Singapore, Philippines cũng tăng điểm.