Triển vọng kinh tế trong 6 tháng cuối năm được đánh giá là tích cực với dư địa tăng trưởng tập trung ở các lĩnh vực quan trọng như đầu tư công, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và tăng trưởng tiêu dùng. Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng đã được ghi nhận.
Theo số liệu của Cục Thống kê, kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 7,52% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất của cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2025. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, thu ngân sách nhà nước, và giải ngân vốn đầu tư công cũng đã có mức tăng trưởng đáng kể.
Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kết quả tích cực này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Ở góc độ sản xuất, có sự tăng trưởng đồng đều giữa các khu vực và loại hình kinh tế. Sản xuất công nghiệp và xây dựng là động lực đáng kể của tăng trưởng kinh tế, với giá trị tăng thêm lần lượt là 8,07% và 9,62% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ thị trường như vận tải, kho bãi, lưu trú và ăn uống cũng có mức tăng trưởng khá mạnh, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu và du lịch.
Từ góc độ sử dụng, giải ngân vốn đầu tư công đã được đẩy mạnh cho các dự án hạ tầng trọng điểm. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh vào các dự án trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao đã góp phần gia tăng năng lực sản xuất tổng thể của nền kinh tế trong dài hạn và tạo ra năng lực mới cho nền kinh tế. Nhu cầu từ các thị trường quốc tế đối với hàng hóa Việt Nam vẫn khá cao, thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 219 tỷ USD, tăng 14,4% trong nửa đầu năm.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã điểm lại những kết quả khả quan của nền kinh tế. Ông cho rằng, chính sách tài khóa tiếp tục được điều hành theo hướng mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm; chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 16%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; thu hút và giải ngân vốn FDI tăng 32,6% so với cùng kỳ, vốn FDI giải ngân ước đạt 11,72 tỷ USD, là mức giải ngân cao nhất trong 5 năm.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên, tăng trưởng quý III và IV phải lần lượt đạt 8,33% và 8,51%, và 6 tháng cuối năm tăng 8,42%. Đây là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, bất định, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong ngắn hạn, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phối hợp hiệu quả trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Để phát huy hết tiềm năng của nền kinh tế, phát triển bền vững và tăng trưởng cao trong dài hạn, Việt Nam cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; đồng thời duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt; tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tăng tính minh bạch để thiết lập môi trường đầu tư minh bạch, an toàn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và liên kết vùng, để tăng năng suất và hiệu quả; thúc đẩy phát triển xanh, bảo vệ môi trường.
Đối với động lực đầu tư công, vốn kế hoạch năm 2025 Quốc hội giao là gần 830.000 tỷ đồng, ngoài ra còn có nguồn bố trí từ phần tăng thu ngân sách. Các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân 100% vốn đầu tư công, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Cục Thống kê nhận định, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được coi là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội mới và sử dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất, tăng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với nguồn lực từ bên ngoài, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với kết quả thu hút vốn FDI đạt mức cao nhất kể từ năm 2009. Cục Thống kê cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ và các địa phương cần ưu tiên thu hút các dự án FDI có công nghệ cao, có khả năng kết nối, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng điểm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa chính sách để thu hút và nâng cao chất lượng vốn FDI.