Lai Châu đang tích cực ứng dụng nền tảng số để quảng bá và nâng cao hiệu quả tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm đặc thù của địa phương. Trong bối cảnh thương mại điện tử đang trở thành xu hướng kinh doanh hiện đại, các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP đang chủ động xây dựng kênh bán hàng trực tuyến song song với phương thức truyền thống.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 215 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó có nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương như đông trùng hạ thảo, chè shan tuyết, hạt mắc-ca khô Lai Châu, gạo tẻ tròn, gạo lứt séng cù, gạo séng cù, miến dong Bình Lư, dưa lưới ichiba… Sở Công Thương tỉnh đã triển khai các hoạt động hỗ trợ chủ thể có sản phẩm OCOP thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể là hướng dẫn kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản tại các hội nghị, hội chợ ở các tỉnh, thành trong cả nước; xây dựng website thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử như Posttmart.vn (Bưu điện Việt Nam), Voson.vn (Viettel Post)… Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng số, livestream bán hàng, chụp ảnh, xây dựng thương hiệu số cho các chủ thể OCOP, hộ kinh doanh và hợp tác xã. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh mở lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, quảng bá sàn thương mại điện tử Buudien.vn đến hội viên, nông dân, các hộ sản xuất nông nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp, từ đó đăng ký thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP.
Cơ sở Đông trùng hạ thảo Huy Cương đang chú trọng đầu tư hệ thống máy móc hiện đại và đa dạng kênh bán hàng. Cơ sở đã xây dựng, duy trì trang fanpage, website riêng để giới thiệu sản phẩm và đẩy mạnh kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Tây Bắc TV, một đơn vị được tôn vinh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024”, đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đã xây dựng được các kênh phân phối, bán lẻ online đa nền tảng như youtube, facebook, tiktok, zalo, shoppee, website.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, việc ứng dụng nền tảng số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, bao gồm hạn chế về kỹ năng số của các chủ thể OCOP và hạ tầng mạng tại một số vùng nông thôn còn yếu, chi phí vận chuyển hàng hóa cao…
Hướng tới giai đoạn phát triển mới, Lai Châu xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là động lực thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển bền vững. Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đa dạng hóa kênh phân phối số, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn hóa.