Bão số 3 (Wipha) đang gây ảnh hưởng đến thời tiết ở Nam bộ, làm cho gió mùa tây nam hoạt động mạnh lên và gây ra mưa giông, gió giật mạnh. Tại TP.HCM, trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, mưa giông mạnh đã xuất hiện vào buổi trưa với diễn biến thời tiết bất thường. Buổi sáng trời nắng ráo, nhưng đến giữa trưa, mây giông ập đến gây ra mưa giông và gió giật mạnh. Tình trạng này đã gây ra nhiều sự cố cây xanh và cành nhánh ngã đổ trên địa bàn thành phố.

Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ cho biết, dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc bộ nối với cơn bão số 3 (Wipha) đang hoạt động mạnh, làm cho gió mùa tây nam tăng cường độ. Bão số 3 đang di chuyển theo hướng tây tây nam và có cường độ suy yếu dần, dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bắc bộ vào chiều tối ngày 22/7.

Theo dự báo, thời tiết ở TP.HCM và Nam bộ trong những ngày tới sẽ phổ biến mây thay đổi đến nhiều mây, ngày nắng gián đoạn, trưa chiều và tối có mưa rào và giông. Cần đề phòng sấm sét, gió giật mạnh và lốc xoáy. Nhiệt độ cao nhất sẽ phổ biến từ 31 – 33 độ C.
Ông Lê Đình Quyết, Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, cho biết trưa ngày 20/7, TP.HCM đã xuất hiện mưa giông diện rộng, kèm theo lốc và gió giật mạnh. Lượng mưa tính đến 14 giờ tại một số nơi như Củ Chi đạt 31,6mm, Long Điền 21,4mm, Phước Hội (Vũng Tàu) 19,4mm, Bà Rịa 18mm, Nhà Bè 17mm, Sở Sao 21mm, Thủ Dầu Một 21,4mm, Bình Chánh 21mm, Tam Thôn Hiệp 19mm…
Cảnh báo, cần đề phòng mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp và sạt lở đất ven sông. Mưa giông kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Sau ngày 22/7, dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc bộ tiếp tục duy trì, đến khoảng ngày 27/7 mới suy yếu dần. Do vậy, gió mùa tây nam vẫn duy trì cường độ từ trung bình đến mạnh. Chính vì vậy, trên địa bàn TP.HCM và Nam bộ, thời tiết phổ biến ngày nắng gián đoạn, trưa chiều và tối có mưa rào và giông; có nơi mưa và mưa to. Cần đề phòng mưa lớn gây ngập úng cục bộ, mưa giông và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.