Mỹ vừa đưa ra một đề xuất hỗ trợ Ukraine bằng cách yêu cầu các đồng minh châu Âu cung cấp vũ khí mà họ đang sở hữu và đổi lại sẽ bán cho họ vũ khí thay thế do Mỹ sản xuất. Đề xuất này được Tổng thống Donald Trump đưa ra trong một tuyên bố tại Phòng Bầu dục vào ngày 14/7, trong đó ông khẳng định một số khẩu đội Patriot sẽ đến Ukraine trong vài ngày tới. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết đề xuất này vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua.

Các nguồn thạo tin cho biết kế hoạch do ông Trump cùng Tổng thư ký NATO Mark Rutte xây dựng đã được Ukraine và nhiều đồng minh tiếp nhận tích cực. Tuy nhiên, một số quan chức châu Âu thừa nhận họ phải trả tiền để hiện thực hóa lời hứa của ông Trump, điều này tạo ra sự bối rối không nhỏ trong nội bộ các quốc gia đồng minh của Mỹ.
Trong cuộc họp tại Nhà Trắng, ông Rutte nêu tên sáu quốc gia NATO, bao gồm Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Canada, là những nước sẵn sàng tham gia vào chương trình tái trang bị vũ khí thông qua việc mua hàng của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều chi tiết cần làm sáng tỏ trong đề xuất này.
Một quan chức NATO cho biết khối này sẽ điều phối việc cung cấp vũ khí thông qua phái bộ ‘Hỗ trợ An ninh và Đào tạo NATO cho Ukraine’ đặt tại Đức. Hiện đã có tám quốc gia, trong đó có Đức, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Hà Lan, Canada và Phần Lan, cam kết tham gia vào quá trình này.
Các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với một thực tế ngày càng rõ ràng: Trách nhiệm viện trợ Ukraine, từng được Washington gánh vác phần lớn, giờ đây đang dần đổ dồn về các thủ đô châu Âu. Các quốc gia này đang phải xem xét khả năng gửi thêm hệ thống Patriot và các loại vũ khí khác đến Ukraine.
Tổng thống Trump đang nỗ lực ‘cân bằng’ giữa việc thể hiện lập trường cứng rắn với Nga và thỏa hiệp với thực tế chính trị trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Ông Trump đang thực hiện đúng những gì đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử: làm cho châu Âu phải chi tiền. Và bây giờ, châu Âu đang thực sự làm điều đó.
Nhưng với Ukraine, câu hỏi đặt ra là: liệu ông Trump có thực sự chuyển giao vũ khí cho Ukraine, hay những tuyên bố gần đây của ông chủ Nhà Trắng chỉ là đòn gió nhằm buộc Nga nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán?