Giáo dục được xem là chìa khóa quan trọng để nâng cao nhận thức, củng cố phẩm giá và thúc đẩy bình đẳng. Trong thời đại chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp hiện nay, nữ giới cần phát huy bản lĩnh, sáng tạo để dẫn dắt giáo dục và bảo vệ quyền con người. Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, tại Hội thảo quốc gia ‘Nữ giới trong thực hiện giáo dục và bảo vệ quyền con người’ được tổ chức ngày 20/7 tại Tuyên Quang.

Hội thảo được tổ chức bởi Học viện Tài chính phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang. Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng cho rằng quyền con người là những quyền và tự do cơ bản vốn có, được hiện thực hóa sâu sắc thông qua giáo dục. Trong hành trình lan tỏa các giá trị nhân quyền ấy, phụ nữ không chỉ là người thụ hưởng mà còn là chủ thể truyền cảm hứng, người kiến tạo và bảo vệ, từ mái ấm gia đình đến nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội.

Phát huy vai trò của nữ giới trong giáo dục và bảo vệ quyền con người là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 200 bài viết, trong đó 129 bài được tuyển chọn vào kỷ yếu. Các bài viết tập trung vào ba chủ điểm chính: Cơ sở lý luận và vai trò của phụ nữ trong giáo dục quyền con người; Pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam; Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò nữ giới trong bối cảnh hội nhập.

Phụ nữ Việt Nam từ lâu đã là biểu tượng của sự hy sinh, kiên cường và trí tuệ. Ngày nay, phụ nữ càng khẳng định vị thế trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học và quản lý. Tỷ lệ nữ giảng viên và quản lý giáo dục ngày càng tăng, phù hợp với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng như tư tưởng triết học về công bằng xã hội cho phụ nữ và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay; pháp luật về quyền con người của một số quốc gia Đông Nam Á và Việt Nam; vai trò của nữ giới trong hệ sinh thái giáo dục nhân quyền – kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam; giáo dục quyền con người và sự tham gia của phụ nữ ở Việt Nam; định hướng, mục tiêu và giải pháp nâng cao vai trò của nữ giới dân tộc thiểu số trong giáo dục và bảo vệ quyền con người tại tỉnh Tuyên Quang.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà, Phó Chủ tịch Công đoàn Học viện Tài chính, đánh giá cao tinh thần học thuật nghiêm túc, đa chiều và đầy tâm huyết của các nhà khoa học, đại biểu và diễn giả. Hội thảo đã làm sáng tỏ cơ sở lý luận, pháp lý về quyền con người và vai trò trung tâm của phụ nữ; phân tích thực trạng và các rào cản: định kiến giới, thiếu cơ chế hỗ trợ, bất bình đẳng học thuật; đề xuất nhiều chính sách khả thi để thúc đẩy giáo dục nhân quyền gắn với lồng ghép giới; khẳng định rằng phụ nữ không chỉ là người thụ hưởng mà chính là lực lượng kiến tạo nhân quyền bền vững trong thời đại hội nhập.