Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến chất lượng và an toàn. Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường này đã dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn từ hàng loạt sản phẩm kém chất lượng, giả mạo, không rõ nguồn gốc. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã và đang tiếp tục làm rõ những vấn đề này, cho thấy ‘bóng tối’ ở thị trường TPCN.
Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, bao gồm hơn 8.200 vụ buôn bán hàng cấm, hơn 25.100 vụ gian lận thương mại và hơn 1.100 vụ hàng giả quy mô lớn có liên quan đến mặt hàng TPCN. Gần đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định được 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột), có chỉ tiêu chất lượng các chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả (về chất lượng).
Nhiều sản phẩm được quảng bá rầm rộ với công dụng được ‘thần thánh hóa’ như điều trị ung thư, tăng chiều cao, giảm cân cấp tốc… nhưng qua kết quả kiểm định thì thành phần không hề tương xứng với công bố trước đó. Một số tổ chức, cá nhân còn lợi dụng danh tiếng của người nổi tiếng, KOL, nghệ sĩ để quảng bá sản phẩm sai lệch, biến TPCN thành ‘thuốc chữa bệnh’ mà dường như quên mất rằng, chất lượng thực sự vẫn còn đang bỏ ngỏ sau tờ giấy kiểm định.
Vậy vì sao TPCN giả vẫn còn đất sống dù có không ít biện pháp quản lý? Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ lợi nhuận khổng lồ mà ngành hàng này mang lại. Chỉ cần vài chục nghìn đồng để sản xuất ra một sản phẩm giả, nhưng có thể bán với giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Sự chênh lệch lợi nhuận quá lớn cùng với chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đã khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, trục lợi trên sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân cốt lõi chính là những kẽ hở trong khung pháp lý hiện hành. Thực tế, khung pháp lý hiện nay cho phép tổ chức, cá nhân được phép tự công bố sản phẩm TPCN trước khi đưa ra thị trường. Đây được xem là ‘lỗ hổng lớn’ khi cho phép hàng loạt sản phẩm trôi nổi dễ dàng xuất hiện trên thị trường với hình thức hợp pháp, nhưng chất lượng chưa được kiểm chứng.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thông tin: ‘Người tiêu dùng phản ánh rất nhiều về các sản phẩm TPCN quảng cáo sai sự thật, công dụng phóng đại, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe mà khi khiếu nại không tìm được ai chịu trách nhiệm. Nguyên nhân sâu xa là do cơ chế tự công bố đã tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật đưa hàng ra thị trường mà không bị kiểm soát về chất lượng thật sự’.
Các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội chưa buộc trách nhiệm xác thực nguồn gốc, dẫn đến người tiêu dùng như lạc giữa ‘ma trận’ quảng cáo. Vụ việc ‘sữa giả’ Hofumil Gold Plus, Hapomil lọt vào các cơ sở y tế lớn là một minh chứng. Điều này cho thấy ngay cả hệ thống y tế, bệnh viện – nơi đáng tin tưởng nhất cũng có thể là nơi hàng giả xâm nhập, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và lòng tin.
Thêm vào đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên ngành như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc kiểm soát nội dung quảng cáo, nguồn gốc sản phẩm và xử lý vi phạm vẫn chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến nhiều sản phẩm kém chất lượng thoát khỏi vòng kiểm soát.
Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội, nhìn nhận: Ngoài việc ‘bịt’ kẽ hở pháp lý hiện hành, cần xem xét một cách nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu bộ ngành, chính quyền cơ sở (chịu trách nhiệm về quản lý sản phẩm, an toàn thực phẩm). Làm chặt, làm nghiêm, làm quyết liệt và minh bạch trong xử lý cán bộ có liên quan, cán bộ chịu trách nhiệm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP với hàng loạt điểm mới có tính đột phá. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là chuyển từ ‘tự công bố sản phẩm’ sang ‘đăng ký bản công bố’ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này có nghĩa là trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng khoa học về độ an toàn, công dụng và thành phần.
Dự thảo cũng đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính gấp 1,2 – 2 lần hiện hành, đồng thời mở rộng các hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng. Đặc biệt, các hành vi quảng cáo sai sự thật, lợi dụng uy tín cá nhân để lừa người tiêu dùng cũng sẽ được đưa vào nhóm vi phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tăng cường hậu kiểm định kỳ. Các hệ thống truy xuất nguồn gốc như iTrace247, truyxuat.gov.vn cần được phổ biến rộng rãi, buộc doanh nghiệp minh bạch thông tin sản phẩm và quá trình lưu thông.
Ngoài ra, cần rà soát, sửa đổi Luật Quảng cáo và Luật Bảo vệ người tiêu dùng để gắn trách nhiệm pháp lý đối với các nền tảng thương mại điện tử, KOL và người nổi tiếng. Khi người nổi tiếng tiếp tay quảng cáo hàng giả, cần có chế tài mạnh, không chỉ dừng lại ở mức phạt tiền mà nên áp dụng hình thức tạm đình chỉ việc quảng cáo hoặc buộc công khai xin lỗi.
Một điểm đáng chú ý khác là đề xuất sửa đổi cũng nhằm làm rõ và phân biệt rạch ròi giữa các nhóm thực phẩm thông thường với nhóm thực phẩm bổ sung có tính đặc thù và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Người dân cần biết phân biệt rõ thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh, không tin vào quảng cáo ‘giật gân’ và cần kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm qua tem truy xuất, mã QR và giấy công bố. Mỗi người tiêu dùng chính là ‘thanh tra tại chỗ’ góp phần làm sạch thị trường.