TP HCM sau sáp nhập – Cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp lớn ở Đông Á

TP HCM mới, hình thành trên cơ sở sáp nhập TP HCM cũ, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, đang có triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp tích hợp, công nghệ cao, hiện đại và bền vững của cả nước. Với quy mô gần 930.000 tỷ đồng, chiếm hơn 25,52% trong giá trị công nghiệp cả nước, tính đến năm 2024, địa phương này đang nắm giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp.
Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP HCM (Hepza), cho biết sau sáp nhập, TP HCM mới có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp, với tổng diện tích đất hơn 27.000 ha. Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000 ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia.
TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS), đánh giá TP HCM mới hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghiệp tích hợp, công nghệ cao, hiện đại và bền vững của cả nước. Triển vọng này đến từ việc địa giới mang lại sự đồng bộ về chính sách đầu tư, hạ tầng, ưu đãi thuế, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất và mở rộng quy mô.
Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng chỉ ra những thách thức cần giải quyết để mở khóa tiềm năng tăng trưởng nền công nghiệp của thành phố. Hạ tầng các tuyến vành đai, cao tốc, trung tâm logistics chậm triển khai khiến chuỗi cung ứng thiếu liền mạch. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và trình độ lao động cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Ông Võ Sơn Điền, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Bình Dương (Basi), cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc phụ tùng, linh kiện, vật liệu nhập khẩu. Cần hỗ trợ phát triển ngành vật liệu cơ bản, khuyến khích doanh nghiệp lớn nội địa dẫn dắt chuỗi cung ứng.
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp Hội Dệt may Thời trang TP HCM, nói các doanh nghiệp trong ngành có dây chuyền số hóa, đơn hàng nhưng lại thiếu nhân sự phù hợp. Chúng ta không thiếu lao động mà thiếu người vận hành máy móc tự động, xử lý dữ liệu sản xuất, kiểm soát chất lượng theo chuẩn quốc tế.
Để phát triển công nghiệp xanh và tuần hoàn, ông Park Hee Sung, đại diện công ty Kumho Tire Việt Nam, đề xuất cần có thêm chính sách ưu đãi giúp doanh nghiệp chủ động đầu tư vào ESG.
TS. Trương Minh Huy Vũ khuyến nghị TP HCM cần sớm ban hành quy định tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái; kết hợp chính sách xanh và số như áp dụng tiêu chuẩn ESG trong xét duyệt đầu tư; ưu tiên vốn, đất, tài chính cho các doanh nghiệp thực hành xanh, sạch và thông minh.
Ông Trần Việt Hà cho biết giai đoạn 2025-2030, các khu chế xuất và khu công nghiệp TP HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 20 tỷ đến 21 tỷ USD; suất đầu tư bình quân thu hút đạt từ 8 triệu đến 10 triệu USD mỗi ha. Địa phương tập trung thu hút 4 ngành công nghiệp chủ lực, có hàm lượng công nghệ cao, giá trị tăng trưởng lớn và thân thiện; các ngành công nghiệp tiềm năng và mới, có tính chiến lược như: điện tử – bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn, chuỗi khối, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghiệp môi trường.