Trong lĩnh vực thể thao, đặc biệt là các môn đánh đôi như pickleball, quần vợt, cầu lông…, hiện tượng “vượt mức đồng đội” không chỉ là một câu đùa về những mối quan hệ tình cảm vượt quá mức đồng đội khi chơi đánh đôi nam nữ. Dưới góc nhìn khoa học tâm lý – thần kinh học hiện đại, đây là một chủ đề thực sự tồn tại và được quan tâm. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng việc thường xuyên đánh đôi với người khác giới không chỉ rèn luyện kỹ năng phối hợp, mà còn vô tình tạo ra môi trường lý tưởng để nảy sinh cảm xúc lãng mạn.
Tiến sĩ Karen Mitchell, chuyên gia tâm lý xã hội tại Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng các môn thể thao đánh đôi là một trong những mô hình hiếm hoi kết hợp cả ba yếu tố tạo nên tình cảm: tương tác gần gũi, mục tiêu chung, và trải nghiệm cảm xúc mạnh. Khi hai người phải liên tục phối hợp chiến thuật, di chuyển nhịp nhàng, và cùng chia sẻ các trạng thái thăng hoa, buồn bã, tiếc nuối, cảm thông, và động viên lẫn nhau, cảm xúc lãng mạn có thể nảy sinh.

Về mặt sinh học, hiện tượng này được lý giải bằng các cơ chế thần kinh. Khi con người trải qua trạng thái hưng phấn cao – như hồi hộp trước một pha ghi điểm hay căng thẳng trong loạt bóng quyết định – cơ thể sẽ tiết ra adrenaline, một loại hormone tạo cảm giác kích thích và tăng nhịp tim. Nếu cảm xúc này diễn ra trong sự hiện diện của người khác giới, bộ não có thể nhầm lẫn rằng nguyên nhân đến từ đối phương, thay vì từ hoàn cảnh.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng cảm xúc nảy nở khi hai người khác giới cùng trải qua một tình huống kịch tính, hồi hộp. Thí nghiệm kinh điển “cây cầu rung lắc” của hai nhà khoa học Donald Dutton và Arthur Aron vào năm 1974 đã cho thấy rằng các chàng trai có nhiều khả năng sẽ gọi lại cho cô gái sau khi cùng cô đi qua cây cầu treo nguy hiểm.
Trong thể thao đánh đôi, các nhà nghiên cứu cho rằng các trận đấu căng thẳng hoàn toàn có thể đóng vai trò “chất xúc tác cảm xúc”, thúc đẩy sự gần gũi tâm lý giữa hai người tương tự như “cây cầu rung lắc”. Ngoài ra, các hoạt động thể thao đôi còn kích thích sự tiết oxytocin – thường được gọi là “hormone gắn bó”. Chất này tăng khi con người cảm thấy tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau và tiếp xúc cơ thể trong các hành vi như vỗ tay, đập vai cổ vũ.

Theo nghiên cứu năm 2017 của nhóm học giả tại Đại học Oxford (Anh), các cặp chèo thuyền đôi có nồng độ oxytocin cao hơn nhóm tập đơn lẻ, và thể hiện mức độ gắn bó tâm lý lớn hơn sau buổi tập. Về khía cạnh thần kinh, khoa học hiện đại còn phát hiện một hiện tượng thú vị gọi là “đồng bộ sóng não giữa hai cá nhân cùng hoạt động”. Trong thể thao đôi, việc cùng nhau di chuyển, phản ứng và điều chỉnh tốc độ tạo ra nhịp điệu vận động tương thích, giúp não bộ của hai người “đồng bộ hóa” ở các vùng xử lý cảm xúc xã hội.

Nhiều ví dụ trong giới thể thao đỉnh cao cho thấy tình đồng đội trên sân bóng, sân cầu có thể biến thành tình cảm thực thụ. Và cũng như câu châm chọc phổ biến trên mạng xã hội ngày này – “vượt mức pickleball”, những nghiên cứu khoa học này tạo nên một lời nhắc nhở thực tiễn: hãy cẩn trọng với việc đánh đôi nam nữ trong thể thao, đặc biệt khi bạn đã có gia đình. Nếu bạn còn độc thân, chơi thể thao đôi đồng nghĩa với việc mở ra cho bạn một cơ hội mới trong chuyện tình cảm.