Bộ Công Thương đang tích cực xây dựng một lộ trình mới liên quan đến việc phối trộn và sử dụng nhiên liệu sinh học, dự kiến sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 1-1-2026. Theo đó, việc sử dụng xăng E10 sẽ được triển khai đồng loạt và trở thành bắt buộc cho tất cả các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Cục Đổi mới sáng tạo – Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết, mục tiêu chính của việc sử dụng xăng sinh học là nhằm giảm thiểu các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường và tăng cường sử dụng các nguồn nhiên liệu sinh học để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Mặc dù ủng hộ việc chuyển đổi do Bộ Công Thương đề xuất, nhiều doanh nghiệp cho biết rằng chi phí đầu tư chuyển đổi rất lớn, trong khi chính sách chưa rõ ràng về việc phân phối, tiêu dùng và lộ trình chuyển đổi cụ thể, gây ra sự lúng túng cho các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã cơ bản thực hiện xong công tác rà soát, đánh giá và phân tích tình hình thực hiện Quyết định 53/2012 về lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng xin chủ trương xây dựng quyết định thay thế Quyết định 53, đề xuất kế hoạch mới thay thế lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học.
Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước được giao nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng nền cũng như ethanol (E100), phối hợp cùng với các đơn vị liên quan và các hiệp hội để rà soát và xem xét kiến nghị các cập nhật các quy định về kỹ thuật đối với các chủng loại xăng dầu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất và đầu mối kinh doanh phải chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện để sẵn sàng cho sản xuất, phối trộn, vận chuyển và phân phối xăng sinh học E10 trên toàn quốc, dự kiến từ ngày 1-1-2026.
Trước đó, theo Quyết định 53 của Thủ tướng được ban hành từ năm 2012, từ ngày 1-12-2014, xăng sinh học E5 được sản xuất, phối chế và kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại một số địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… trước khi mở rộng trên toàn quốc từ ngày 1-12-2015.
Với xăng E10, sau khi thí điểm tại một số địa phương từ ngày 1-12-2016, sẽ được áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1-12-2017. Tuy nhiên, sau khi được đưa ra thị trường từ đầu năm 2018, đến nay xăng E5RON92 gần như vắng bóng trên thị trường, dù từng có thời kỳ mà tỉ lệ tiêu thụ xăng E5RON92 lên tới 42%.
Đối với mặt hàng xăng sinh học E10 đến nay vẫn chưa được tiêu thụ, chậm đến gần 9 năm so với lộ trình được đưa ra tại Quyết định 53.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang cấp tập chuẩn bị cho việc triển khai xăng E10 từ ngày 1-1-2026. Tuy nhiên, họ cũng bày tỏ lo lắng về chi phí đầu tư chuyển đổi, chính sách phân phối, tiêu dùng và lộ trình chuyển đổi cụ thể.
PGS.TS Phạm Hữu Tuyến và Nguyễn Thế Trực, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết việc sử dụng nhiên liệu sinh học cho phương tiện giao thông mang lại lợi thế về an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn.
Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy với tỉ lệ ethanol dưới 10% (E10 trở xuống), xăng sinh học giúp nâng cao công suất động cơ, giảm tiêu thụ nhiên liệu và đặc biệt giảm đáng kể các thành phần độc hại trong khí thải như HC và CO.
Nhiều người tiêu dùng ủng hộ việc sử dụng xăng sinh học song vẫn còn băn khoăn về chất lượng, cũng như mong muốn mặt hàng này có mức giá phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ thông qua báo cáo về lộ trình sử dụng xăng E10, dự kiến từ ngày 1-1-2026.